Mainboard không kích được nguồn có rất nhiều nguyên nhân : Do hư thạch anh 32,768 KHz, lỗi hoặc bong chân chip SIO, nặng hơn nữa là hư chip Nam. Hướng dẫn anh em các bước sửa chữa mainboard không kích được nguồn. Chú ý bệnh này khác với bệnh kích nguồn quạt quay vài vòng rồi tắt nhé. Anh em cấp điện cho bộ nguồn, cắm jack nguồn vào mainboard và tiến hành sửa theo các bước sau :
- Kiểm tra xem jump clear CMOS đang set như thế nào. Thông thường chân 1 – 2 là normal, chân 2 – 3 là clear CMOS. Nếu để chế độ clear CMOS sẽ không kích nguồn được ( đối với 1 số mainboard ).
- Phải chắc chắn bộ nguồn còn tốt : chân màu tím phải có 5V, chân xanh lá để kích nguồn phải có 5v. Chân PS_ON trên panel mainboard phải có từ 1,5v – 5v , mất điện áp chân ps_on sẽ không kích được nguồn. Thường điện áp này từ chip SIO tới fet nhí và tụ gần chân ps_on rồi tới chân ps_on.
- Tiếp tục đo chân A 14 trên khe PCI xem có 3,3v không. Đây là nguồn cấp trước cho chíp cầu nam mất điện áp này sẽ không kích được nguồn, thường do hư IC 1117 ( LM 1117 ) hoặc chạm chập chip Nam. Xác định chân A 14 bằng cách nhìn khe PCI bên trái là là khe dài, bên phải khe ngắn thì dãy phía trên, chân đầu tiên là A 1.
- Dùng tay sờ thử vào 2 chân của thạch anh 32,768 KHz xem main có kích nguồn không. Được hay không thì cũng nên thay thử thạch anh.
- Mainboard vẫn đang được cấp điện, anh em tiến hành sờ tay vào chip SIO và chip nam xem con nào nóng. Nếu nóng thì thay 90% hư con đó. Nếu sờ không nóng thì mình tiến hành kích ép xem chip nam và chip IO có con nào nóng không. Kích ép bằng cách dùng nhíp cắm vào dây kích nguồn ( màu xanh lá ) và dây mass ( màu đen). Nhíp phải dẫn điện nhé, hoặc có thể dùng sợi dây đồng để nối. Nếu không con nào nóng thì ta lại tiếp tục làm theo bước 4.
- Tháo jack cắm nguồn ra khỏi mainboard. Kiểm tra chân kích nguồn vào chip nam hay chip IO bằng cách chỉnh đồng hồ về thang X1 ôm, 1 que cắm vào chân P.ON ( chân màu xanh lá nguồn ATX ) của jack cắm nguồn ( thường là chân 14 của jack 20 PIN ), que còn lại dò trên chip SIO. Nếu đồng hồ lên hết kim ( lên 0 ôm ) thì chứng tỏ mạch kích nguồn vào chip IO, mình tiến hành hàn lại chân hoặc thay chip IO ( 70 % bệnh không kích được nguồn là do lỗi chip SIO ). Nếu không thông mạch thì ta tiến hành đo tiếp.
- Mạch kích nguồn thường có 3 dạng : Vào thẳng chip SIO, vào thẳng chip Nam và dạng thứ 3 là mạch qua đèn khuếch đại đảo lệnh rồi mới vào chip nam ( hiện nay rất ít dùng đèn này ). Để tìm đèn khuếch đại đảo lệnh anh em chỉnh đồng hồ về thang x1 ôm, 1 que đặt tại chân P.ON của jack cắm nguồn ATX, que còn lại đo vào chân D các đèn mosfet nhỏ, khu vực gần chip nam. Nếu đồng hồ lên 0 ôm thì mạch sử dụng đèn khuếch đại. Tiến hành thay thử đèn này. Nếu không thông mạch ( tức là > 0 ôm ). Thì suy ra mạch kích nguồn đi thẳng vào chip nam.
- Tiến hành hấp lại hoặc thay chip nam .
Chú ý vì thay chip nam cũng hơi phức tạp nên nếu mạch kích nguồn đi thẳng vào chip nam thì cũng nên xem chip SIO trước. Cũng có trường hợp máy không kích được nguồn, mạch kích nguồn đi vào chip nam. Nhưng thay chip SIO lại kích được nguồn ( chip SIO bị chấp ). Và cũng có trường hợp ngược lại. Mạch kích nguồn đi vào chip SIO nhưng thay chip nam mới kích được nguồn.
Đó là trình tự các bước sửa mainboard không kích được nguồn. Anh em nên kiểm tra từ dễ đến khó, kẻo bắt sai bệnh và sinh ra các bệnh khác do thao tác không chuẩn.